Skip navigation

II. PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Cơ sở phương pháp luận

     Cơ sở phương pháp luận chung nhất của việc nghiên cứu giáo dục quốc phòng, an ninh là học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó những quan điểm của các nhà kinh điển Mác-Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến tranh, quân đội, về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, về xây dựng nền quốc phòng toàn dân... là nền tảng thế giới quan, nhận thức luận của sự nghiên cứu, vận dụng đường lối quân sự của Đảng và những vấn đề cơ bản khác của giáo dục quốc phòng và an ninh. Việc xác định học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở phương pháp luận, đòi hỏi quá trình nghiên cứu, phát triển giáo dục quốc phòng và an ninh phải nắm vững và vận dụng đúng đắn các quan điểm tiếp cận khoa học như:

     - Quan điểm hệ thống: Đặt ra yều cầu nghiên cứu, phát triển các nội dung  của giáo dục quốc phòng và an ninh một cách toàn diện, tổng thể, trong mối quan hệ phát triển giữa các bộ phận, các vấn đề của môn học.

     - Quan điểm lịch sử, logíc: Trong nghiên cứu giáo dục quốc phòng và an ninh đòi hỏi phải nhìn thấy sự phát triển của đối tượng, vấn đề nghiên cứu phải theo đúng thời gian, không gian với những điều kiện lịch sử, cụ thể để từ đó giúp ta phát hiện, khái quát, nhận thức đúng những quy luật, nguyên tắc của hoạt động quốc phòng, an ninh.

     - Quan điểm thực tiễn: Chỉ ra phương hướng cho việc nghiên cứu giáo dục quốc phòng và an ninh là phải bám sát thực tiễn xây dựng quân đội và công an nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

2. Các phương pháp nghiên cứu

     Với tư cách là bộ môn khoa học nằm trong hệ thống khoa học quân sự, phạm vi nghiên cứu của giáo dục quốc phòng và an ninh rất rộng, nội dung nghiên cứu đa dạng, được cấu trúc theo hệ thống từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp luôn có sự kế thừa và phát triển. Vì vậy giáo dục quốc phòng và an ninh được tiếp cận nghiên cứu với nhiều cách thức, phù hợp với tính chất của từng nội dung và vấn đề nghiên cứu cụ thể.

     - Trong nghiên cứu phát triển nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh với tư cách là một bộ môn khoa học cần chú ý sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu khoa học.

    + Phương pháp nghiên cứu lí thuyết như phân tích, tổng hợp, phân loại, hệ thống hoá, mô hình hoá, giả thuyết... nhằm thu thập thông tin khoa học trên cơ sở nghiên cứu các văn bản, tài liệu về quốc phòng, an ninh để rút ra các kết luận khoa học cần thiết, không ngừng bổ sung, phát triển làm phong phú nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh.

     + Phương pháp nghiên cứu thực tiễn như quan sát, điều tra, khảo sát thực tế, nghiên cứu các sản phẩm quốc phòng, an ninh, tổng kết kinh nghiệm, thí nghiệm, thực nghiệm... nhằm tác động trực tiếp vào đối tượng trong thực tiễn, từ đó khái quát bản chất, quy luật của các hoạt động quốc phòng, an ninh; bổ sung làm phong phú nội dung cũng như kiểm định tính xác thực, tính đúng đắn của các kiến thức giáo dục quốc phòng và an ninh.

 Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy QP và AN

Trong nghiên cứu lĩnh hội các kiến thức, kĩ năng quốc phòng, an ninh cần sử dụng kết hợp các phương pháp dạy học lí thuyết và thực hành nhằm bảo đảm cho người học vừa có nhận thức sâu sắc về đường lối, nghệ thuật quân sự, nắm chắc lí thuyết kĩ thuật và chiến thuật, vừa rèn luyện phát triển được các kĩ năng công tác quốc phòng, thuần thục các thao tác, hành động quân sự.

       - Đổi mới phương pháp dạy học giáo dục quốc phòng và an ninh theo hướng tăng cường vận dụng các phương pháp dạy học tiên tiến kết hợp với sử dụng các phương tiện kĩ thuật dạy học hiện đại. Trong quá trình học tập nghiên cứu các vấn đề, các nội dung giáo dục quốc phòng và an nin cần chú ý sử dụng các phương pháp tạo tình huống, nêu vấn đề, đối thoại, tranh luận sáng tạo; tăng cường thực hành, thực tập sát với thực tế chiến đấu; tăng cường thăm quan thực tế, viết thu hoạch, tiểu luận; tăng cường sử dụng các phương tiện kĩ thuật, thiết bị quân sự hiện đại phục vụ cho các nội dung học tập; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu môn học giáo dục quốc phòng và an ninh.