Skip navigation

1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về quân đội

a) Quan niệm về quân đội

     Quân đội là một tập đoàn người được vũ trang và có tổ chức của một giai cấp và nhà nước nhất định, là công cụ bạo lực vũ trang chủ yếu nhất, là lực lượng nòng cốt để nhà nước, giai cấp tiến hành chiến tranh và đấu tranh vũ trang.

     Trong giai đoạn của Lênin chủ nghĩa tư bản chuyển sang chủ nghĩa đế quốc, Người nhấn mạnh: chức năng cơ bản của quân đội đế quốc là phương tiện quân sự chủ yếu để đạt mục đích chính trị đối ngoại là tiến hành chiến tranh xâm lược và duy trì quyền thống trị của bọn bóc lột đối với nhân dân lao động trong nước.

b) Nguồn gốc ra đời của quân đội

      Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: Quân đội ra đời gắn liền với sự xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và sự phân chia xã hội thành giai cấp đối kháng.

      Từ sự phân tích cơ sở kinh tế - xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định: Quân đội là một hiện tượng lịch sử, ra đời trong giai đoạn phát triển nhất định của xã hội loài người, khi xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và sự đối kháng giai cấp trong xã hội. Chính chế độ tư hữu và đối kháng giai cấp đã làm nảy sinh nhà nước thống trị bóc lột. Để bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị và đàn áp quần chúng nhân dân lao động giai cấp thống trị đã tổ chức ra lực lượng vũ trang thường trực làm công cụ bạo lực của nhà nước.

V.I. Lê-nin- Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới

     Lịch sử phát triển của xã hội loài người đã chứng minh rằng:

    Trong xã hội công xã nguyên thủy do trình độ sản xuất thấp kém, chưa có nhà nước nên chưa có quân đội. Việc bảo vệ giữ gìn tài sản của các thị tộc và bộ lạc lúc đó là nhiệm vụ chung của các cư dân đã trưởng thành. Theo Ăngghen đó là các tổ chức “nhân dân vũ trang” thật sự, tự bảo vệ mình bằng những lực lượng của chính mình trong các thị tộc, bộ tộc và bộ lạc.Tổ chức quân sự nghiệp dư đó bao gồm toàn bộ dân cư không phải là công cụ để đàn áp nô dịch các bộ tộc khác, mà chỉ bảo vệ lợi ích chung, nên các tổ chức đó không phải là quân đội.

     Cuối thời kỳ Công xã nguyên thuỷ tư hữu, giai cấp, nhà nước xuất hiện. Để bảo vệ lợi ích của mình, giai cấp thống trị đã tổ chức ra một bộ phận vũ trang thường trực, có cơ cấu tổ chức chỉ huy chặt chẽ, huấn luyện chu đáo; đó thật sự trở thành công cụ bạo lực của nhà nước để đàn áp quần chúng nhân dân lao động, bảo vệ sự áp bức bóc lột của giai cấp thống trị trong nước, bảo vệ lãnh thổ của mình khỏi bị xâm lược từ bên ngoài và đi xâm chiếm các nước khác, mở rộng sự xâm lược của chúng.

Xuất hiện quân đội với mục đích bóc lột, thống trị trong thời kỳ chiếm hữu nô lệ. Ảnh minh họa

     Khi xuất hiện bộ máy cưỡng bức đặc biệt là nhà nước thì bộ phận vũ trang thường trực đó thật sự trở thành công cụ bạo lực của nhà nước để đàn áp quần chúng nhân dân lao động, duy trì, bảo vệ sự áp bức bóc lột của giai cấp thống trị trong nước, bảo vệ lãnh thổ của mình khỏi bị xâm lược từ bên ngoài và đi xâm chiếm các nước khác, mở rộng sự xâm lược của chúng. Như vậy, chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và sự phân chia xã hội thành giai cấp đối kháng là nguồn gốc ra đời của quân đội. Chính vì vậy, chừng nào còn chế độ tư hữu, còn chế độ áp bức bóc lột thì quân đội vẫn còn tồn tại. Và quân đội chỉ mất đi khi giai cấp, nhà nước và những điều kiện sinh ra nó tiêu vong.

c) Bản chất giai cấp của quân đội

     Khi bàn về bản chất của quân đội, chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định bản chất quân đội là công cụ bạo lực vũ trang của một giai cấp, nhà nước nhất định nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị và nhà nước tổ chức, nuôi dưỡng, sử dụng nó. Bản chất giai cấp của quân đội phụ thuộc vào bản chất giai cấp của nhà nước đã tổ chức ra quân đội đó. Quân đội đo giai cấp, nhà nước tổ chức, nuôi dưỡng và xây dựng theo đường lối, quan điểm chính trị, quân sự của giai cấp mình. Đó là cơ sở để quân đội trung thành với nhà nước, giai cấp đã tổ chức ra nó.

Lê Nin đang giáo huấn. Ảnh minh họa

     Bản chất giai cấp của quân đội không phải tự phát hình thành mà phải trải qua quá trình xây dựng lâu dài và được củng cố liên tục. Bản chất giai cấp của quân đội là tương đối ổn định, nhưng không phải là bất biến. Sự vận động phát triển bản chất giai cấp của quân đội bị chi phối bởi nhiều yếu tố như: giai cấp, nhà nước, các lực lượng, tổ chức chính trị xã hội và việc giải quyết các mối quan hệ trong nội bộ trong quân đội. 

     Sự thay đổi bản chất giai cấp của quân đội diễn ra dần dần thông qua việc tăng cường hoặc suy yếu dần các mối quan hệ trên. Trong tình hình hiện nay, các học giả tư sản thường rêu rao luận điểm "phi chính trị hoá quân đội", cho quân đội phải đứng ngoài chính trị, quân đội là công cụ bạo lực của toàn xã hội, không mang bản chất giai cấp. Thực chất quan điểm "phi chính trị hoá quân đội" của các học giả tư sản nhằm làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, làm giảm sức mạnh chiến đấu, từng bước làm thoái hoá về chính trị tư tưởng, phai nhạt bản chất cách mạng của quân đội. Đó là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược "Diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc. Mặt khác, mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động không nhỏ tới tăng cường bản chất giai cấp công nhân, bản chất cách mạng của quân đội. Những biểu hiện cường điệu lợi ích vật chất, lề thói thực dụng, cơ hội về chính trị, sự suy giảm về đạo đức cách mạng là những cản trở trong xây dựng quân đội cách mạng hiện nay.

d) Sức mạnh chiến đấu của quân đội

     Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, sức mạnh chiến đấu của quân đội là sức mạnh tổng hợp, phụ thuộc nhiều yếu tố: con người, điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, vũ khí trang bị, khoa học quân sự... trong đó yếu tố con người, trực tiếp là yếu tố chính trị tinh thần giữ vai trò quyết định. Mỗi yếu tố có vị trí, vai trò riêng, song đó là một chỉnh thế thống nhất, cần sự tác động và phát huy tổng hợp để tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội, trong đó yếu tố con người mang tính quyết định.

Lê nin với quân đội. Ảnh minh họa

     Về vấn đề này, V.I. Lênin khẳng định: "Trong mọi cuộc chiến tranh rốt cuộc thắng lợi đều tuỳ thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường".

d) Nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới của V.I. Lênin

V.I. Lênin kế thừa, bảo vệ và phát triển lí luận của C.Mác, Ph.Ăngghen về quân đội và vận dụng thành công trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản với các nguyên tắc cơ bản là:

- Đảng Cộng sản lãnh đạo Hồng quân tăng cường bản chất giai cấp công nhân.

- Đoàn kết thống nhất quân đội với nhân dân.

- Trung thành với chủ nghĩa quốc tế vô sản.

- Xây dựng chính quy.

- Không ngừng hoàn thiện cơ cấu tổ chức.

- Phát triển hài hoà các quân chủng, binh chủng

- Sẵn sàng chiến đấu.

Ảnh minh họa

Trong các nguyên tắc trên, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nguyên tắc quan trọng nhất, quyết định đến sức mạnh, sự tồn tại, phát triển, chiến đấu, chiến thắng của Hồng quân.

Ngày nay, những nguyên tắc cơ bản về xây dựng quân đội kiểu mới của V.I. Lênin vẫn giữ nguyên giá trị; là cơ sở lí luận khoa học cho các Đảng Cộng sản xác định phương hướng tổ chức xây dựng quân đội của mình.