Skip navigation

1. Quan điểm

a) Xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia là một nội dung quan trọng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

- Ý nghĩa: Đây là quan điểm cơ bản, đặc biệt quan trọng khẳng định tính nguyên tắc, tính tất yếu và nhất quán của Đảng ta về xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Nội dung của quan điểm

+ Xây dựng và bảo vệ kỷ cương, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định và phát triển đất nước; ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu hoạt động chống phá của kẻ thù, không để bị động bất ngờ.

+ Xây dựng và bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, những giá trị về nền văn hóa, bảo vệ tài nguyên môi trường, môi sinh để con người, dân tộc Việt Nam tồn tại, có môi trường sống bền vững, ổn định và phát triển lâu dài.

+ Xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia bảo đảm cho sự ổn định vững chắc của đất nước. Mọi biến động về biển, đảo, biên giới quốc gia đều tác động đến sự ổn định và phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

+ Khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam bao gồm cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

+ Bảo vệ độc lập, thống nhất, toàn vẹn và đầy đủ của biển, đảo, biên giới quốc gia Việt Nam bảo đảm cho sự phát triển toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.

- Biện pháp chủ yếu

+ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lí Nhà nước và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại vững mạnh.

+ Tăng cường tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng nâng cao nhận thức, đặc biệt là nhận thức về quốc phòng an ninh, thấy rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia; từ đó xác định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm cho các cấp, các ngành và công dân.

+ Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh trong quản lí, bảo vệ biên giới quốc gia.

Ảnh minh họa

+ Tăng cường mở rộng công tác đối ngoại, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị.

+ Tích cực kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện và hành động chống phá Nhà nước, vi phạm chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia.

+ Chú trọng giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống, kinh nghiệm dựng nước và giữ nước của dân tộc.

b) Chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam

- Vị trí, ý nghĩa

Đây là quan điểm cơ bản khẳng định và coi trọng quyền độc lập, thống nhất toàn vẹn đầy đủ biển, đảo, biên giới quốc gia và quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình. Đó là ý chí quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển nổi của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Nội dung

+ Biển đảo, biên giới quốc gia Việt Nam là nơi sinh ra và lưu giữ, phát triển con người và những giá trị của dân tộc Việt Nam.

Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu mới xây dựng, giữ gìn, bảo vệ được lãnh thổ quốc gia toàn vẹn, thống nhất và tươi đẹp như ngày hôm nay.

Nhờ đó mà con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam có thể tồn tại, sinh sống, vươn lên và phát triển một cách độc lập, bình đẳng với các quốc gia, dân tộc khác trong cộng đồng quốc tế; những giá trị, truyền thống, bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam được khẳng định, lưu truyền và phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu.

+ Xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia là kết quả đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử.

Trong tâm thức của người Việt Nam biên cương, nơi địa đầu của Tổ quốc, các đảo, quần đảo, bờ biển là “phên dậu” của Tổ quốc.

Từ thuở Hùng Vương dựng nước đứng trước những kẻ thù to lớn và hung bạo, dân tộc Việt Nam luôn có ý thức và quyết tâm bảo vệ. Tư tưởng “Sông núi nước Nam vua Nam ở” của ông cha ta được tiếp nối và nâng lên tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

+ Chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia Việt Nam là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của dân tộc, nhà nước, nhân dân Việt Nam quyết tâm giữ gìn và bảo vệ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm đó.

Luật Biên giới quốc gia năm 2003: “Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

Điều 1, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”.

+ Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng độc lập chủ quyền và sự toàn vẹn biển, đảo, biên giới quốc gia. Đó là trách nhiệm thiêng liêng và cao quý của mọi người dân Việt Nam yêu nước, nhằm bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc.

+ Xây dựng, quản lí, bảo vệ biển, đảo, biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh.

c) Xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định; giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua đàm phán hoà bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau.

- Vị trí, ý nghĩa

Xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển là vấn đề đặc biệt quan trọng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây vừa là mong muốn, vừa là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Quan điểm này phù hợp với lợi ích và luật pháp của Việt Nam, phù hợp với công ước và luật pháp quốc tế, cũng như lợi ích của các quốc gia có liên quan.

- Nội dung

+ Giữ vững chủ quyền toàn vẹn biển, đảo, biên giới quốc gia, tôn trọng chủ quyền của nước láng giềng, xây dựng biên giới hữu nghị thân thiện. Thực hiện vừa hợp tác, vừa đấu tranh, mưu trí, khôn khéo giữ vững độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, giữ được trong ấm ngoài êm.

Cảnh sát biển thực thi chấp pháp trên biển

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng BQP bắt tay giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam-Campuchia

+ Đảng và Nhà nước ta coi việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa là lợi ích cao nhất của đất nước.

+ Trong giải quyết các vấn đề tranh chấp biển, đảo, biên giới, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán thực hiện quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng hoà bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.

d) Xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia là sự nghiệp của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí thống nhất của Nhà nước, lực lượng vũ trang là nòng cốt.

- Vị trí, ý nghĩa

Xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh của đất nước. Đây là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị chứ không riêng một cá nhân, tổ chức nào.

- Nội dung

+ Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trực tiếp, toàn diện sự nghiệp xây dựng, quản lí và xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia.

+ Nhà nước quản lí tập trung, thống nhất quản lí việc xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia; có chính sách ưu tiên đặc biệt xây dựng khu vực biên giới.

+ Bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc.

+ Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia. 

Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với lực lượng công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lí, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật.