Skip navigation

I. VỊ TRÍ, ĐẶC TRƯNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN, AN NINH NHÂN DÂN

1. Vị trí

- Một số khái niệm

Đồng chí Phan Văn Giang-Bộ trưởng Bộ Quốc phòng QĐND Việt Nam

     Quốc phòng toàn dân: là “nền quốc phòng mang tính chất "vì dân, do dân, của dân", phát triển theo phương hướng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí, điều hành của Nhà nước, do nhân dân làm chủ, nhằm giữ vững hoà bình, ổn định của đất nước, sẵn sàng đánh bại mọi hành động xâm lược và bạo loạn lật đổ của các thế lực đế quốc, phản động; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Nền quốc phòng toàn dân là “sức mạnh quốc phòng của đất nước được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường”. 

      An ninh nhân dân:

     + Là sự nghiệp của toàn dân, do nhân dân tiến hành, lực lượng an ninh nhân dân làm nòng cốt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lí của Nhà nước. Kết hợp phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng chuyên trách, nhằm đập tan mọi âm mưu và hành động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, cùng với quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

     + Là bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam có vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia. An ninh quốc gia có nhiệm vụ: đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân.

     Nền an ninh: là sức mạnh về tinh thần, vật chất, sự đoàn kết và truyền thống dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc được huy động vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh nhân dân làm nòng cốt.

     - Vị trí

Xây dựng nền quốc phòng, an ninh nhân dân vững mạnh có vị trí rất quan trọng đó là: tạo ra sức mạnh để ngăn ngừa, đẩy lùi, đánh bại mọi âm mưu, hành động xâm hại đến mục tiêu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Tạo điều kiện để duy trì nền hòa bình, an ninh của đất nước.

Đảng ta đã khẳng định: Trong khi đặt trọng tâm vào nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta không một chút lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, luôn luôn coi trọng quốc phòng - an ninh, coi đó là nhiệm vụ chiến lược gắn bó chặt chẽ . 

2. Đặc trưng

Một là, nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân chỉ có mục đích duy nhất là tự vệ chính đáng.

- Đây là đặc trưng cơ bản, thể hiện sự khác biệt về bản chất trong xây dựng nền quốc phòng, an ninh của những quốc gia có độc lập chủ quyền đi theo con đường xã hội chủ nghĩa với các nước khác (cụ thể là các nước tư bản chủ nghĩa).

- Biểu hiện: Xây dựng nền quốc phòng, an ninh nhân dân vững mạnh là để chống lại thù trong, giặc ngoài, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

So sánh với quân đội của một số nước tư bản: Mỹ, Anh, hay khối NATO…(quân đội các quốc gia này ngoài nhiệm vụ bảo vệ đất nước còn tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược các quốc gia có chủ quyền khác).

Ví dụ: Mục đích tổ chức và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam là để bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa chứ không phải tiến hành đi xâm lược các quốc gia khác.

Hai là, nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân của ta là nền quốc phòng, an ninh vì dân, của dân và do toàn thể nhân dân tiến hành.

      - Đặc trưng này thể hiện truyền thống, kinh nghiệm của dân tộc ta trong lịch sử dựng n­ước và giữ nước; là cơ sở cho phép ta huy động mọi người, mọi tổ chức, mọi lực lượng để xây dựng nền quốc phòng, an ninh và đấu tranh quốc phòng, an ninh. Biểu hiện:

     + Đư­ờng lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh đều xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đánh của nhân dân.

     Ví dụ: Mục đích, nội dung của Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới của Đảng đã phản ánh tính chất của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân: vì dân, vì độc lập, tự do của Tổ quốc trong thời kỳ mới.

     + Xây dựng nền quốc phòng, an ninh nhân phải xuất phát từ khả năng của nhân dân.

     Ví dụ: Tùy thuộc điều kiện kinh tế cụ thể của đất nước để đầu tư, xây dựng và phát triển quân đội và công an. Hiện nay kinh tế nước ta đang phát triển, do vậy không có đủ điều kiện kinh tế để đầu tư cho tất cả các đơn vị, quân binh chủng trang bị vũ khí hiện đại, mà chỉ tập trung nguồn lực đầu tư cho một số đơn vị, quân binh chủng có vị trí đặc biệt quan trọng, đóng quân trên các địa bàn chiến lược.

     Ba là, nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân của ta là nền quốc phòng, an ninh có sức mạnh tổng hợp do nhiều yếu tố tạo thành.

     - Đây là đặc trưng phản ánh sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin về sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh cụ thể ở Việt Nam; bám sát đặc điểm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam.

     - Biểu hiện: Sức mạnh tổng hợp là sức mạnh được tạo thành bởi rất nhiều yếu tố như chính trị, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, khoa học, quân sự, an ninh,... cả ở trong nước, ngoài nước, của dân tộc và của thời đại, trong đó những yếu tố bên trong giữ vai trò quyết định.

     Bốn là, nền quốc phòng, an ninh nhân dân được xây dựng toàn diện và từng bước hiện đại.

    - Đây là đặc trưng phản ánh tính tất yếu khách quan trong xây dựng nền quốc phòng, an ninh nhân dân để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Biểu hiện:

     + Sức mạnh quốc phòng, an ninh được huy động từ sức mạnh của toàn dân về mọi mặt chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế, văn hoá, khoa học. Các mặt hoạt động này được kết hợp chặt chẽ với nhau.

    + Xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân vững mạnh toàn diện,  từng bước hiện đại. Kết hợp giữa xây dựng con người với phát triển công nghiệp quốc phòng và từng bước trang bị vũ khí kĩ thuật hiện đại cho các lực lượng vũ trang nhân dân.

   Ví dụ: Chủ trương xây dựng quân đội và công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Hình ảnh chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam sẵn sàng chiến đấu trong bất cứ tình huống nào có thể xẩy ra. Ảnh minh họa

     Năm là, nền quốc phòng toàn dân gắn chặt với nền an ninh nhân dân

     - Sự gắn bó này là tất yếu khách quan, vì nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân đều được xây dựng nhằm mục đích tự vệ chính đáng của đất nước; đều được xây dựng trên nền tảng sức mạnh tổng hợp; đều có chung một tính chất là của dân, do dân, vì dân; mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường, ngày càng hiện đại.

    - Biểu hiện: Hai bộ phận chỉ khác nhau về phương thức tổ chức lực lượng, hoạt động cụ thể theo nhiệm vụ được phân công. Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh là được tiến hành thường xuyên và đồng bộ, thống nhất từ trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch xây dựng, hoạt động của cả nước cũng như từng vùng, miền, địa phương, mọi ngành, mọi cấp.