Skip navigation

1. Khái quát chung về biển, đảo và biển đồng đối với quốc phòng, an ninh

a) Vị trí của biển, đảo Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia ven biển với đường bờ biển dài khoảng 3.260km từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Ngoài ra, Việt Nam cũng là một quốc gia có nhiều hải đảo và quần đảo: ước tính có khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Hoàng Sa và Trường Sa.

Gần đây, tình hình Biển Đông xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều nước, đe dọa đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta. Ngư dân nước ta khi ra khơi xa đánh bắt hải sản luôn phập phồng, lo âu bị nước ngoài bắt giữ, chiếm đoạt tài sản, phạt tiền, nhất là trên các vùng biển giáp ranh với các nước khác. 

Hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, thuộc chủ quyền nước ta cũng có lúc bị nước ngoài ngăn chặn, xâm hại. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, lợi dụng những vấn đề mới phát sinh ở Biển Đông, các lực lượng cơ hội, phản động ở trong và ngoài nước ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, phá hoại công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Do đó, việc nhận thức tầm quan trọng về vị trí của biển, đảo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam. 

- Về quốc phòng, an ninh: Biển nước ta được ví như mặt tiền, cửa ngõ quốc gia; biển, đảo, thềm lục địa và đất liền hình thành phên dậu, chiến lũy nhiều lớp, nhiều tầng, bố trí thành tuyến phòng thủ liên hoàn bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử dân tộc đã ghi nhận có tới 2/3 (10/14) cuộc chiến tranh xâm lược kẻ thù đã sử dụng đường biển để tiến công xâm lược nước ta. Hầu hết các trung tâm chính trị, kinh tế xã hội của ta đều nằm trong phạm vi cách bờ biển khoảng 100km, nên rất dễ bị địch tấn công từ hướng biển. Nếu các quần đảo xa bờ, gần bờ được củng cố xây dựng thành những căn cứ, vị trí trú đậu, triển khai của các lực lượng Hải quân Việt Nam thì biển, đảo có vai trò rất quan trọng trong phòng thủ đất nước.

- Về giao thông: Vùng biển và ven biển Việt Nam nằm án ngữ trên con đường hàng hải huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Cùng với đường bờ biển dài, nhiều vũng vịnh, đường biển từ lâu đã trở thành con đường vận tải quan trọng của Việt Nam trong việc giao thương hàng hóa trong nước và trên thế giới. Thêm vào đó với hệ thống sông ngòi dày đặc như hệ thống sông Hồng, sông Đồng Nai, hệ thống sông Cửu Long..., đã tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương nội địa Việt Nam mà còn giữa Việt Nam với các nước khác trong khu vực.

- Về tài nguyên khoáng sản: có rất nhiều nhưng tập trung chủ yếu về dầu khí và nguồn lợi thủy sản

+ Dầu khí: Đây là một vấn đề có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với công cuộc phát triển đất nước, trong đó nổi bật là dầu khí (với trữ lượng khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi), ngoài ra còn nhiều loại khoáng sản phổ biến khác như: than, sắt, ti tan, cát thuỷ tinh...

+ Thủy hải sản: Biển nước ta có khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú, trữ lượng hải sản biển Việt Nam dao động trong khoảng 3,1 - 4,2 triệu tấn/năm. Vùng biển nước ta còn có các loại động vật quý khác như đồi mồi, rắn biển, chim biển, thú biển, hải sâm…

- Về tài nguyên du lịch biển: Biển, đảo Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển du lịch, với một đường bờ biển dài và nhiều hòn đảo nhỏ gần bờ, vì thế tạo điều kiện phát triển du lịch biển, hải đảo như nghỉ ngơi; dưỡng bệnh; tắm biển; du lịch sinh thái; nghiên cứu khoa học vùng ven bờ, hải đảo; bơi, lặn sâu, lướt ván, nhảy sóng, đua thuyền…; có thể tổ chức các giải thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế; dịch vụ hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế.
- Về xã hội: Biển, đảo Việt Nam rất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Hiện nay có trên 31% dân số cả nước sinh sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Các tỉnh, thành phố ven biển có các cảng, cơ sở sữa chữa, đóng tàu, đánh bắt hoặc chế biến hải sản, làm muối… thu hút hơn 13 triệu lao động, giải quyết công ăn việc làm, góp phần to lớn vào việc ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng. 

Do có vị trí đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ sườn phía Đông đất nước; một số đảo ven bờ còn có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.

b) Đường cơ sở và các vùng biển Việt Nam

- Đường cơ sở: Theo Điều 8, Luật Biển Việt Nam nêu rõ: Đường cơ sở: là đường dùng làm căn cứ để tính chiều rộng lãnh hải và các vùng biển khác. Có 2 loại đường cơ sở:

+ Đường cơ sở thông thường: Là đường sử dụng ngấn nước thủy triều thấp nhất ven bờ biển hoặc hải đảo.

+ Đường cơ sở thẳng: Là đường nối các điểm hoặc đảo nhô ra nhất của bờ biển lục địa hoặc đảo. Đường cơ sở thẳng áp dụng khi bờ biển quốc gia ven biển bị chia cắt hoặc có chuỗi đảo gắn liền và chạy dọc theo bờ biển. 

Nước ta có chuỗi đảo chạy dọc theo bờ biển được vận dụng để xác định đường thẳng. Năm 1982, Chính phủ nước ta ra tuyên bố xác định đường cơ sở thẳng ven bờ lục địa Việt Nam gồm 10 đoạn nối 11 điểm.

- Các vùng biển Việt Nam

+ Vùng nội thủy: Là vùng nước nằm ở phía trong đường cơ sở của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nội thủy được coi như lãnh thổ trên đất liền, đặt dưới chủ quyền toàn vẹn đầy đủ và tuyệt đối của quốc gia Việt Nam.

+ Vùng lãnh hải: Lãnh hải của nước ta rộng 12 hải lý (01 hải lý tương đương 1.852m) ở phía ngoài đường cơ sở. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải.

+ Vùng tiếp giáp lãnh hải: Vùng tiếp giáp lãnh hải của nước ta là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải Việt Nam có chiều rộng 12 hải lý hợp với lãnh hải thành một vùng biển rộng 24 hải lý. Nước ta có quyền kiểm soát cần thiết trong vùng tiếp giáp lãnh lãnh hải của mình, nhằm bảo vệ an ninh, bảo vệ các quyền lợi về hải quan, thuế, y tế, di cư, nhập cư...

+ Vùng đặc quyền kinh tế: là vùng biển ở phía ngoài lãnh hải, tiếp liền lãnh hải, có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Nước ta có chủ quyền hoàn toàn đối với các quyền lợi kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế như: Thăm dò, khai thác, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thiết lập các công trình khoa học, bảo vệ môi trường và các hoạt động khác.

+ Thềm lục địa nước ta: Gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần không gian tự nhiên của lục địa Việt Nam. Nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó. (Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì nước nào có thềm lục địa tự nhiên quá rộng thì thềm lục địa có thể mở rộng ra tới không quá 350 hải lý kể từ đường cơ sở).

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa Việt Nam.

c) Biển Đông với quốc phòng, an ninh

- Trong lịch sử dân tộc, nhiều lần kẻ thù xâm lược đất nước ta từ hướng biển. Từ thời các Vua Hùng dựng nước, nhân dân ta đã tạo dựng nên truyền thống “giỏi dùng thuyền, thạo thủy chiến”. Nhiều chiến công vang dội trên sông biển đã ghi đậm dấu ấn trong lịch sử dân tộc.

- Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các đạo quân xâm lược đều đến nước ta từ hướng biển. Về phía ta, dù chưa có Hải quân (trong kháng chiến chống Pháp) hoặc Hải quân còn rất non trẻ (trong kháng chiến chống Mỹ), nhưng bằng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trên sông biển, quân dân ta đã đánh chìm và đánh cháy, hỏng hàng ngàn tàu địch (Pháp 603 tàu, Mỹ 7.492 tàu).

- Từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, Biển Đông trở thành “cửa mở lớn” để giao lưu giữa nước ta với thế giới. Các thế lực thù địch đã lợi dụng “cửa mở lớn” này để xâm nhập nước ta, tiến hành các hoạt động gián điệp, phá hoại về chính trị và kinh tế, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy..., gây khó khăn cho ta về bảo đảm trật tự an ninh xã hội.

- Hiện nay, Biển Đông đang tồn tại những nhân tố gây mất ổn định, ảnh hưởng tới quốc phòng - an ninh của nước ta. Đó là sự tồn tại những tranh chấp biển, đảo rất quyết liệt và phức tạp; có sự can thiệp của các nước lớn, làm cho tình hình trong khu vực đã phức tạp càng trở nên phức tạp hơn.

Tóm lại, Biển, đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta. Ngày nay, tiến ra biển, khai thác biển đã trở thành xu hướng tất yếu khách quan và là mối quan tâm của tất cả các nước. Biển Đông cũng đang tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến mất ổn định và là mối quan tâm trong chiến lược của các nước trong khu vực và những nước lớn trên thế giới. Vì vậy, tăng cường quốc phòng - an ninh để bảo vệ biển đảo là yêu cầu cấp bách của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tình hình mới.