Skip navigation

1. Nguyên nhân vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông

a. Người tham gia giao thông

     Tình hình trật tự an toàn giao thông ở nước ta còn phức tạp, rất đáng lo ngại và tai nạn giao thông luôn hiện hữu, đe dọa sức khỏe, tính mạng, tài sản…Nhà nước, nhân dân. Đây là nỗi ám ảnh của xã hội và người dân mà trước tiên là do ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật về giao thông, văn hóa giao thông của một bộ phận người dân, nhất là những người điều kiển xe cơ giới còn thấp, có nhiều vi phạm. Hằng năm lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm đến từ nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính. Đó là ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế. Các hành vi vi phạm diễn ra phổ biến, dễ gây ra tai nạn như: vượt đèn đỏ, lùi xe và đi ngược chiều trên đường cao tốc; sử dụng điện thoại, nhắn tin không quan sát đường khi lái xe; đỗ dừng xe tùy tiện, không đúng nơi qui định; lái xe đang trong cơn “ngáo đá”, “khát ma túy”, say rượu, bia hoặc chất kích thích khác; điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe, sử dụng giấy phép lái xe giả hoặc đã bị thu hồi do vi phạm hoặc gây tai nạn; chở quá tải, quá khổ, quá số người quy định; phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép; chống người thi hành công vụ, bỏ chạy không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của lực lượng chức năng khi có vi phạm hoặc gây tai nạn.   

b. Người mua bán hàng hóa trong hành lang an toàn giao thông

     Dọc theo các con đường tuyến tỉnh, thành phố, tuyến đường huyện, xã hay thậm chí tại những điểm chợ có nơi dành cho khu vực bán hàng, người dân lấn sang hành lang an toàn giao thông để buôn bán, người mua dừng đỗ phương tiện không đúng quy định dẫn đến chiếm lòng đường giao thông, gây cản trở lưu thông, thậm chí đây là hiểm họa khôn lường xảy ra tai nạn giao thông đường bộ. Thực tế tại một số tuyến đường và tại các điểm chợ trên nhiều địa bàn tỉnh, thành phố, huyện, xã, phường tình trạng họp chợ tự phát trong hành lang an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao. Nhiều nơi, người dân tự nhiên lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè của cả đường bộ và đường sắt để làm nơi buôn bán, họp chợ, vui chơi, v.v.

     Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn trên các tuyến cả đường bộ, đường sông, đường sắt. Mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhưng nhiều hộ dân vẫn cố tình vi phạm làm mất trật tự hành lang an toàn giao thông. Nguyên nhân chủ yếu của hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông là do tâm lý muốn cận lộ để làm ăn, buôn bán của người dân, dẫn đến lực lượng chức năng hôm nay dẹp được chỗ này thì ngày mai họ lại chạy sang chỗ khác hoặc lúc có lực lượng chức năng đi kiểm tra, xử lý thì họ chấp hành nhưng sau khi lực lượng chức năng đi rồi thì đâu lại vào đó. Đây cũng là tình trạng làm gia tăng các vụ tại nạn giao thông, gây thiệt hại to lớn cả về con người và vật chất, phương tiện.

 

c. Quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông

     Công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông còn nhiều yếu kém, thể hiện: công tác quy hoạch giao thông thiếu căn cứ khoa học về tầm nhìn mang tính chiến lược; kết cấu hạ tầng giao thông nhất là giao thông đô thị còn bất cập; công tác tổ chức giao thông lúng túng; các chính sách phát triển giao thông vận tải, phát triển phương tiện giao thông cơ giới chưa theo kịp nhu cầu vận động của nền kinh tế thị trường; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa thường xuyên; vẫn còn tình trạng buông lỏng công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở một số địa phương; tiêu cực của một số bộ phận cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông chưa được ngăn chặn và xử lý triệt để.

     Công tác quản lý Nhà nước trong chỉ đạo và điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ. Cụ thể là: năng lực, chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh vận tải, quản lý kỹ thuật phương tiện, bảo vệ kết cấu hạ tầng cũng như công tác thanh tra, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế, mới chỉ tập trung tại một số địa bàn, một số nhóm đối tượng, trên các tuyến trọng điểm, trong thời gian cao điểm, chưa bảo đảm thường xuyên, liên tục trên địa bàn; công tác quản lý về hoạt động vận tải, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện vẫn còn một số hạn chế; tình trạng phương tiện chở quá tải trọng vẫn xảy ra, hiện tượng tiêu cực trong thực thi công vụ vẫn còn, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ thanh tra, tuần tra, kiểm soát còn có biểu hiện né tránh, thiếu trách nhiệm, tiêu cực, làm trái quy định

 

Nhóm tác giả: Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Sĩ quan thông tin

Tra cứu kiến thức môn học close