Skip navigation

I. ĐIỀU LỆ CHUNG

I. ĐIỀU LỆ CHUNG

1. Đặc điểm và điều kiện thi đấu

a) Đặc điểm
Thi đấu ba môn quân sự phối hợp (thể thao Quốc phòng) được tiến hành theo các bài tập nằm trong chương trình giáo dục Quốc phòng. Mục đích của thi đấu ba môn quân sự phối hợp là giáo dục cho học sinh, sinh viên ý chí quyết tâm giành thắng lợi, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo khả năng thực hiện các bài tập đa dạng, sức chịu đựng cường độ thể lực và sự căng thẳng về tâm lý trong quá trình thi đấu thể thao. Thi đấu ba môn quân sự phối hợp là một trong những hình thức để xác định chất lượng huấn luyện thể lực và tình hình hoạt động thể thao của nhà trường.

Để thi đấu đạt kết quả tốt, học sinh, sinh viên phải luyện tập và hoàn thành những yêu cầu về chỉ tiêu rèn luyện đã quy định cho các lứa tuổi và từng đối tượng. Thi đấu ba môn quân sự phối hợp có thể tiến hành thi cá nhân, đồng đội. Trong thi đấu cá nhân phải xác định kết quả, vị trí cho tất cả những người dự thi. Trong thi đấu đồng đội lấy kết quả của các cá nhân tổng hợp thành kết quả của đồng đội và dựa vào đó xếp hạng cho từng đội. Thi đấu cá nhân, đồng đội là đồng thời xác định kết quả của cá nhân và của đồng đội để xếp hạng cho cá nhân và đồng đội

b) Điều kiện thi đấu

Thi đấu ba môn quân sự phối hợp, đấu thủ tham dự cuộc thi phải bảo đảm đủ các điều kiện:
- Hiểu, nắm vững quy tắc và được luyện tập thường xuyên.
- Có chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe của bác sĩ

2. Trách nhiệm, quyền hạn của người dự thi

a) Trách nhiệm của người dự thi
- Người dự thi phải hiểu điều lệ, quy tắc cuộc thi và nghiêm túc thực hiện điều lệ, quy tắc thi đấu.
- Có mặt đúng thời gian tại cuộc thi, đủ trang bị, trang phục quy định, có thẻ hoặc giấy chứng nhận thi đấu và tuân thủ đúng quy chế thi đấu.
- Thực hiện đúng hướng dẫn của trọng tài.
- Tuân thủ nghiêm quy tắc quản lý, sử dụng súng và đạn.
b) Quyền hạn của người dự thi
- Được bắn thử để kiểm tra súng, luyện tập và thực hiện các bài tập ở những địa điểm đã quy định của Hội đồng Trọng tài.
- Chỉ khi thật cần thiết mới được phép báo cáo trực tiếp với trọng tài những vấn đề có liên quan đến việc tiến hành cuộc thi. Trong các trường hợp khác, nếu có yêu cầu gì đối với trọng tài thì dùng lời nói hoặc làm văn bản báo cáo với đoàn trưởng (đội trưởng) chuyển lên Hội đồng Trọng tài.

3. Trách nhiệm, quyền hạn của đoàn trưởng (đội trưởng)

Mỗi đoàn (đội) dự thi nhất thiết phải có cán bộ có phẩm chất, tư cách vững vàng và hiểu biết sâu về chuyên môn làm đoàn trưởng. Đoàn trưởng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về kỷ luật của các đấu thủ khi ở địa điểm thi đấu cũng như tại nơi ở và bảo đảm cho mỗi đấu thủ hoặc đội vào thi đấu kịp thời. Khi vắng đoàn trưởng thì đội trưởng thay thế. Khi đội trưởng vắng phải chỉ định một trong các đấu thủ thay mặt để chỉ huy đội.
Đoàn trưởng (đội trưởng) có nhiệm vụ nộp cho Hội đồng Trọng tài danh sách đấu thủ dự thi và những tài liệu cần thiết do điều lệ, quy tắc cuộc thi quy định.

a) Trách nhiệm của đoàn trưởng (đội trưởng)
- Hiểu và thực hiện điều lệ, quy tắc và quy chế của cuộc thi.
- Bảo đảm kịp thời đưa đoàn (đội) đến địa điểm thi đấu với trang phục, súng đạn cần thiết đã quy định, chịu trách nhiệm trước nhà trường về việc bảo đảm an toàn mọi mặt của đoàn (đội) mình.

- Thường xuyên có mặt ở địa điểm thi đấu và chỉ được tạm vắng khi tổng trọng tài hoặc phó tổng trọng tài cho phép.
- Thông báo cho các đấu thủ của đoàn (đội) mình các quyết định của Hội đồng trọng tài những thay đổi về thời gian, chương trình thi đấu của cuộc thi…
- Báo cáo với Hồi đồng trọng tài về những thay đổi trong đăng ký và những đấu thủ do tình trạng sức khỏe không thể tiếp tục thi đấu được.
- Tham dự cuộc họp của Hội đồng trọng tài với quyền hạn tư vấn và tham dự bốc thăm.

b) Quyền hạn của đoàn trưởng (đội trưởng)
- Chuyển đến Hội đồng trọng tài những khiếu nại của đoàn (đội).
- Đề nghị hội đồng trọng tài kiểm tra và giải thích kết quả thi đấu sau khi đã thông báo sơ bộ về thành tích.
- Đoàn trưởng (đội trưởng) không được phép can thiệp vào công việc của trọng tài và cũng không được tự ý quyết định thay đổi đấu thủ hoặc rút đấu thủ khỏi cuộc thi nếu không được Hội đồng trọng tài cho phép. Trong quá trình thi đấu cũng không được phép giúp đỡ vận động viên.

4. Thủ tục khiếu nại


- Tất cả những khiếu nại đều phải đưa đến Hội đồng trọng tài, có thể đưa trước khi bắt đầu cuộc thi, trong quá trình cuộc thi và sau khi kết thúc cuộc thi, nhưng không chậm quá một giờ sau khi kết thúc môn thi đó.
- Đoàn trưởng (đội trưởng) có thể đưa khiếu nại bằng văn bản có chỉ dẫn các mục, các điểm của quy tắc hoặc điều lệ cuộc thi mà người khiếu nại bị cho là vi phạm.
- Tổng trọng tài phải xem xét các khiếu nại trong thời gian ngắn nhất. Nếu khiếu nại đó cần phải kiểm tra thì quyết định cần được thực hiện trong vòng 24 giờ từ lúc nhận được đơn khiếu nại và kết luận trước khi xác định thành tích cuối cùng của cuộc thi.
- Quyết định của tổng trọng tài về khiếu nại là quyết định cuối cùng và không xét lại nữa.

5. Trang phục và vũ khi trang bị

+ Trang phục: Quần áo dã ngoại, bảo hộ lao động hoặc thể thao, đi giầy hoặc chân đất và đeo số áo bốc thăm trước ngực, sau lưng.

+ Vũ khí trang bị: Súng tiểu liên AK hoặc CKC và đeo bao xe trước ngực.

6. Xác định thành tích xếp hạng

Thi vô địch cá nhân và đồng đội được xác định theo điều lệ cuộc thi:
- Khi xếp hạng cá nhân, vận động viên nào có thành tích (tổng số điểm) cao hơn được xếp trên. Trường hợp thành tích bằng nhau của một số vận động viên thì vận động viên nào có kết quả cao hơn trong các môn thi sẽ được xếp trên.
- Khi xếp hạng đồng đội, căn cứ vào tổng số điểm của các vận động viên trong từng đội để xếp hạng cao thấp cho các đội. Trường hợp thành tích bằng nhau của một số đội thì đội nào có động viên xếp thứ hạng cao (nhất, nhì, ba, v.v.) sẽ được xếp vị trí cao hơn.