Skip navigation

1. Đặc điểm liên quan đến xây dựng LLVT nhân dân

a) Cả nước đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trong khi chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chống phá ta quyết liệt

- Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam

+ Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, cả nước thống nhất, độc lập đi lên CNXH. Đây là điều kiện thuận lợi cho xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.

+ Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là quy luật chung của cách XHCN.

+ Hai nhiệm vụ chiến lược có mối quan hệ chặt chẽ, tác động với nhau để cùng thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

- Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch với CNXH vẫn coi VN là một trọng điểm để phá hoại

+ Mục đích nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản và chế độ XHCN, lôi kéo ta đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.

+ Nội dung chống phá: toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trọng tâm là chống phá về tư tưởng chính trị.

+ Thủ đoạn chống phá: chủ yếu bằng chiến lược “DBHB”, bạo loạn lật đổ, kết hợp với răn đe quân sự, khi có điều kiện, thời cơ; làm chuyển hóa từ bên trong, tạo cớ can thiệp gây sức ép từ mọi phía.

Do đó, trong khi chúng ta đặt nhiệm vụ trọng tâm vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, không được một phút lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Để bảo vệ Tổ quốc, ta phải thực hiện xây dựng đất nước giàu mạnh, tăng cường sức mạnh giữa quốc phòng an ninh, củng cố xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện, đủ sức đối phó thắng lại với mọi tình huống nhất là tình huống phức tạp xảy ra.

b) Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong điều kiện quốc tế đã thay đổi, có nhiều diễn biến phức tạp

- Qua các kỳ đại hội Đảng ta gần đây dự báo tình hình thế giới: Sẽ có nhiều diễn biến rất phức tạp nhưng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn; tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng... tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực.

- Khu vực Đông Nam Á là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, có nhiều nhân tố bất ổn. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp.

- Quan hệ VN với quốc tế đã có sự thay đổi căn bản, chúng ta thực hiện chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, với tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước phấn đấu vì hòa bình, độc lập, phát triển.

c) Sự nghiệp đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đất nước ta bước sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập kinh tế thế giới toàn diện hơn

- Qua hơn 35 năm đổi mới, nước ta đã giành được những thành tựu to lớn:

+ Tăng trưởng kinh tế liên tục nhiều năm đạt trên 7%, đời sống mọi mặt của nhân dân được cải thiện rõ nét, bộ mặt xã hội thay đổi nhanh chóng.

+ Ta đã thiết lập ngoại giao với 167 nước, quan hệ thương mại với trên 100 nước, đã gia nhập WTO, môi trường chính trị xã hội ổn định.

+ Thế và lực của nước ta ngày càng được tăng cường, ta đang thu hút sự quan tâm lớn từ nước ngoài.

+ Đảng ta có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đường lối độc lập tự chủ, sáng tạo.

+ Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

+ Lực lượng vũ trang ta tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân.- Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, đất nước vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế ảnh hưởng tới xây dựng LLVT, đó là:

+ Kinh tế phát triển chưa vững chắc, sức cạnh tranh thấp.

+ Văn hóa xã hội còn nhiều vấn đề gây nhức nhối, nguy cơ băng hoại về đạo đức, xuống cấp về lối sống, tệ nạn xã hội gia tăng, trật tự an toàn xã hội chưa được củng cố vững chắc, kỷ cương phép nước còn lỏng lẻo.

+ Cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, một số bộ phận đơn vị, cá nhân chưa chú trọng tới việc kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh.

+ Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất làm sói mòn lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

+ Các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang chống phá ta quyết liệt.

Hiện nay và trong những năm tới, chúng ta đang đứng trước nhiều vấn đề phải giải quyết, trong đó có mâu thuẫn chủ yếu là: Nhu cầu phải đầu tư cho quốc phòng-an ninh, cho xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ngày càng lớn và cấp thiết, nhưng khả năng của nền kinh tế, ngân sách của Nhà nước là rất hạn hẹp.

d) Thực trạng của lực lượng vũ trang nhân dân ta

- Ưu điểm

Trong những năm qua, lực lượng vũ trang ta đã có bước trưởng thành lớn mạnh cả về bản lĩnh chính trị, chất lượng tổng hợp, trình độ chính quy, sức mạnh chiến đấu không ngừng được nâng lên. Đã hoàn thành tốt cả ba chức năng, xứng đáng là lực lượng nòng cốt đi đầu giải quyết hiệu quả những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp mà Đảng, Nhà nước giáo cho.

- Hạn chế

+ Về chất lượng chính trị: Trên thực tế, trình độ lý luận, tính nhạy bén, sắc sảo và bản lĩnh chính trị của không ít cán bộ, chiến sĩ ta chưa tương xứng với vị trí, yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

+ Về khả năng chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân còn những mặt hạn chế, chưa đáp ứng được các tình huống phức tạp (nếu xảy ra). Công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ còn có những nội dung bất cập, chưa thật sát nhiệm vụ và năng lực thực hành theo cương vị đảm nhiệm.

+ Về trình độ chính quy của quân đội ta chưa đáp ứng được yêu cầu tác chiến hiện đại và chưa tương xứng với công tác xây dựng. Chấp hành kỷ luật của một bộ phận lực lượng vũ trang còn chuyển biến chậm, vẫn để xảy ra những vụ việc, ảnh hưởng đến sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang.

+ Về trang bị của lực lượng vũ trang còn lạc hậu và thiếu đồng bộ.

+ Vấn đề nghiên cứu phát triển hoàn thiện nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời kỳ mới cần được tổ chức một cách khoa học, phối hợp chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo và thực tiễn…

Như vậy, từ các đặc điểm trên, có thể nhận thấy rằng việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vừa có cả thuận lợi, vừa có cả thách thức, khó khăn. Vấn đề đặt ra là, nhận thức đúng thuận lợi và thách thức, khó khăn, khai thác thế mạnh, phát huy tiềm năng và thuận lợi, hạn chế tác động tiêu cực, chủ động khắc phục khó khăn, từng bước xây dựng LLVT ND vững mạnh toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.